Friday, September 2, 2016

Một số thói quen tốt khi bạn đang học một ngôn ngữ (Phần 1)



Một số thói quen tốt khi bạn đang học một ngôn ngữ

1.    Đọc bao bì, nhãn hiệu song ngữ.

Hầu hết các sản phẩm bạn sử dụng hằng ngày đều có song ngữ trên bao bì. Nếu bạn sử dụng sản phẩm nội địa của Việt Nam thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tra những từ vựng bạn không biết. Dĩ nhiên, độ chính xác của việc dịch thuật trên bao bì là không cao nhưng sẽ giúp bạn có được một lượng khá lớn từ vựng thường ngày mà bạn không nhận ra.




Nhiều người không có thói quen đọc hướng dẫn sử dụng khi mua các sản phẩm gia dụng như máy xay sinh tố hoặc lò nướng. Tờ hướng dẫn sử dụng thông thường có rất nhiều ngôn ngữ và tính chính xác thường cao hơn trên các bao bì sản phẩm thông thường. Qua đó, ngoài bổ sung từ vựng, bạn có thể quan sát được cách ngữ pháp hiện hữu trong cuộc sống, chứ không phải bạ đâu dùng đấy bạn ạ. Hướng dẫn sử dụng thường dùng cấu trúc ngữ pháp đơn giản, súc tích để người sử dụng dù ở trình độ nào đi chăng nữa cũng có thể bập bẹ hiểu được. Và bạn đừng lo bạn đọc xong không hiểu gì, trừ trường hợp bạn ra nước ngoài mua hàng hoặc mua hàng xách tay. Các sản phẩm được bày bán nội địa luôn có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Qua đó bạn hoàn toàn có thể hiểu được nội dung và có thể lấy ra so sánh xem từ vựng này qua tiếng nước ngoài thì được thể hiện như thế nào.

2.    Đọc thực đơn song ngữ.

Thời đại hội nhập, hầu hết mọi thứ hiện hữu đều được thể hiện song ngữ. Bạn có thể bắt gặp tiếng Anh ở rất nhiều nơi. Nếu có điều kiện đi vào các nhà hàng, hoặc đơn giản chỉ là một nhà hàng thức ăn nhanh, bạn có thể biết được thêm rất nhiều từ vựng qua việc đọc thực đơn của họ. Những món ăn lề đường khi được hiện hữu trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng cũng thường đi kèm theo một cái tên tiếng Anh mỹ miều. Độ chính xác trong thực đơn thường không cao, chủ yếu các nhà hàng nhắm đến việc cung cấp cho thực khách đủ thông tin về món ăn. 




Điều đó lý giải tại sao dù các bạn được học là, có một số món ăn Việt được giữ nguyên tên như món Phở. Nhưng đặt trường hợp bạn là người nước ngoài và bạn hoàn toàn chẳng có khái niệm gì về món phở, bạn vô nhà hàng thấy tên tiếng Anh của món ăn là “Pho”, xong bạn cũng chả biết đó là món gì luôn. Chưa kể hình ảnh thì mang tính chất minh họa là chính, cũng rất khó giúp bạn đoán xem bạn chuẩn bị nạp những loại thực phẩm gì vào người. Vì thế nhiều nhà hàng lại thể hiện món Phở thành “Vietnamese Styled Beef Noodle Soup”. Và chỉ cần dòng chữ đó, thực khách cũng sẽ dần hình dung được những thứ mình sắp nạp vào cơ thể.

Ủa vậy tại sao bạn lại cần biết món ăn đó tiếng Anh được gọi là gì? Cũng tùy hen. Bạn đâu thể biết trước được sau này bạn có cơ hội dẫn khách nước ngoài đi ăn uống chẳng hạn. Hoặc họ hàng sinh sống ở nước ngoài khá lâu về Việt Nam thưởng thức các món ăn truyền thống mà từ hồi cha sinh mẹ đẻ họ chưa được nếm thử, như món Bò tái kiến đốt của miền Bắc? Các món điểm tâm như bánh ướt, canh bún của miền Nam? Biết quá nhiều cũng đâu có hại gì lắm đâu ha. Thể hiện nhiều mới hay bị ghét thôi, bạn ha.
3.    
Phân biệt bản chất của một số từ vựng.

Sẵn đang bàn tới đồ ăn, nói luôn về cái món gọi là “bánh” trong tiếng Việt. Ẩm thực Việt Nam thì nhiều loại bánh lắm ha. Nhưng mà khi bạn dịch sang tiếng Anh, bạn sẽ gặp một vấn đề khá rắc rối: “bánh” gì? Trong tiếng Anh, tính logic của ngôn ngữ rất cao, không dễ nảy sinh các tình huống cười ra nước mắt vì chơi chữ như trong tiếng Việt. Làm ơn đừng gọi “bánh ướt” là “wet cake” nha… 

Cake, cookie, roll, bread và sandwich là những từ các bạn nhất định đã từng học qua trong chương trình phổ thông. Vâng, khi sang tiếng Việt thì nó chỉ được gọi chung là “bánh” thôi. Nhưng về bản chất từng loại, khác nhau hẳn nha.




Mình thấy nhiều bạn vẫn giữ thói quen gọi đặc sản của Sài Gòn, món Bánh mì Sài Gòn là Saigon Bread. Ừm… nhưng mà chúng ta ít khi ăn bánh mì không lắm ha. Thông thường món bánh mì Sài Gòn là món bánh mì kẹp, tức là có phần nhân, chả lụa hay trứng ốp la gì đó. Bạn dùng từ “bread” thì cũng đúng, nhưng chưa chuẩn xác cho lắm vì bread không hẳn bao gồm hàm nghĩa là ổ bánh mì có kẹp cái gì đó. Thường chỉ là ổ bánh mì không thôi. Đặc sản bánh mì không thì nghe chưa đủ hấp dẫn nên mình dùng Sandwich cho nó sát nghĩa hơn nè. Để mà đi giới thiệu cho người ta ăn thì tiện quảng cáo luôn coi có loại nhân đặc biệt ngon không nè. Chứ dụ người ta ăn thử đặc sản mà kêu ăn bánh mì không thì tội người ta lắm…

Đấy mới chỉ là ví dụ của từ “bánh” mà mọi người thường sử dụng tùy tiện thôi ha. Còn rất rất nhiều từ vựng khác mà khi sử dụng chúng ta không để ý tới bản chất ngữ nghĩa của nó. Chẳng hạn như bữa đầu óc mình đang ở đâu đâu ở trển á, cái có bạn hỏi “ủa, đường tiếng Anh là gì vậy?”, xong mình kiểu phản xạ có điều kiện “thì sugar đó ba”… À ra là bạn đó hỏi mình “đường đi” chứ không phải “đường gia vị”…

4.    Sử dụng máy tính bằng tiếng Anh.

Mình hoàn toàn không biết là chúng ta có thể tùy chọn ngôn ngữ cho máy tính là Tiếng Việt. Cái này là mình không biết… Cho đến khi mình gặp rất nhiều bạn sử dụng laptop mà nguyên cái hệ điều hành chạy bằng tiếng Việt luôn. Lúc này mình mới ớ ra, à thì ra đây là lý do các bạn suốt ngày than vãn chẳng hiểu gì về tin học…

Thì đúng rồi, tin học ở trường dạy dù có dạy các bạn thuật ngữ bằng tiếng Việt thì trên máy tính của trường cũng để ngôn ngữ là tiếng Anh thôi. Thú thật, mình không có khái niệm sử dụng máy tính mà để ngôn ngữ tiếng Việt, thấy nó cứ xa vời với sai sai sao đó. Hả, sai ở đâu á hả?




Mình học môn biên dịch, không biết may mắn hay xui sao trúng được ông thầy rất có tâm giải thích cặn kẽ từng li từng tí các vấn đề gặp phải trong dịch thuật. Bạn bè mình có thể không thích cách dạy và chấm điểm của thầy cho lắm do thầy không hướng vào tiêu chí chuyên ngành là theo “Business”, thầy thiên nhiều về cách dịch văn học hơn và văn học thì kiểu con đường dọn sẵn cho mình. Mình vẫn nhớ khi thầy chỉ ra những lỗi sai của thuật ngữ trong tin học. Các bạn học qua tin học chắc cũng biết khái niệm gọi là “từ khóa” mà sau này rất lâu mình mới biết là à từ khóa là keyword đó hả trời. Từ khóa là cái quần gì? Thực sự đến giờ nhiều thuật ngữ tin học dù là tiếng Việt mình cũng chả hiểu. Keyword nó  gần nghĩa hơn với cách gọi là “từ quan trọng”. Giống như khi bạn đi giải đề và giáo viên kêu bạn tìm keyword trong bài tức là bạn đang đi tìm những từ mấu chốt quan trọng của bài. Chứ từ khóa là cái gì?

Vì thế mình chọn biện pháp an toàn đó là sử dụng máy tính bằng tiếng Anh. Tiếng Anh có tính logic cao hơn tiếng Việt, không sợ gặp phải những từ tối nghĩa, mờ nghĩa. Tin học vốn chưa từng là thế mạnh của mình, vì vậy mình cứ bám sát theo tiếng Anh để tránh hiểu sai thuật ngữ của máy tính. Vì thế cứ cười mình đi khi mình loay hoay không biết xài sao chiếc máy tính dùng ngôn ngữ tiếng Việt, bạn còn chả biết máy tính bạn xài đang là win mấy nữa kìa…

Mình thực sự cảm thấy việc sử dụng ngôn ngữ máy tính bằng tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều trong thời đại công nghệ thông tin này. Chúng ta có thể Việt hóa một hệ điều hành nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta Việt hóa toàn bộ được các phần mềm. Hầu hết các phần mềm các bạn có thể sử dụng hằng ngày đều chỉ chạy ổn định khi ở ngôn ngữ tiếng Anh. Nhiều bạn còn chả biết cài mini game chỉ vì hướng dẫn cài đặt bằng tiếng Anh. Thậm chí chả biết tự lên google kiếm crack hay serial key nữa… Quay lại xài tiếng Anh đi, dù gì bạn cũng đang học tiếng Anh mà.

5.    Sử dụng smartphone bằng tiếng Anh.



Ý mình không phải là việc để ngôn ngữ tiếng Anh cho smartphone sẽ khiến bạn ngầu hơn, thông minh hơn nhưng mà nó cũng tương tự việc sử dụng máy tính vậy đó. Bạn đi học ở nơi nào cũng nghe người ta đồn nhau là phải sử dụng tiếng Anh, phải đưa tiếng Anh vào đời sống hằng ngày. Nè, bạn có cơ hội nè, đưa vào sử dụng đi. Vào mục cài đặt trong điện thoại của bạn và để ngôn ngữ là tiếng Anh đi. Không biết xài thì cũng chỉ lúc đầu thôi, từ từ bạn quen là bạn sẽ xài được à. Cái gì cũng phải học và luyện tập thì xài mới ổn chứ.

(Còn tiếp)

* Hình ảnh sử dụng trong bài đều được lấy trên Google. 


Find me on Facebook