Wednesday, August 31, 2016

Chia sẻ bí quyết học tiếng Anh

Chia sẻ bí quyết học tiếng Anh


Bạn đang vật lộn kiếm chác các chứng chỉ tiếng Anh để làm đẹp CV hay đi du học và bạn cần tham khảo một số bí quyết học tiếng Anh?
.
.
.
.
.
.
.
.
Sao bạn không google?
À còn nếu bạn google và tìm được kết quả này thì 99% bạn vẫn đang bị google troll nhé =)))
Nhiều người hay đứng trước mặt mình xong chửi tại sao mình lại khá tiếng Anh đến vậy. Ơ thì cái gì nó cũng có cái giá của nó hết á. Mình cũng đi học ở trung tâm như bao người khác thôi, với lại cũng do mình giỏi sẵn nên xét trên mặt bằng chung, mình có vẻ giỏi hơn nhiều người khác.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Ha ha ha, chắc là dễ vậy….

Không có đâu ạ! Vâng, không có cái gì nó tự nhiên mà có hay nó đến với mình dễ dàng đâu ạ. Bạn có nhu cầu tìm bí quyết để học nhanh, kết quả tốt, không tốn quá nhiều công sức hay tốn thời gian? Ngoài việc trở thành nạn nhân của marketing ra thì dường như chẳng còn con đường nào khác cho bạn đâu.

Nó như thế này nhé, hồi đó bạn tập đi xe đạp, đâu phải khi không mới lần đầu ngồi lên xe đạp và đạp cái èo là tự dưng bạn biết chạy xe? Cũng có thể có trường hợp đó nhưng không nhiều và bạn đừng vội lầm tưởng bạn có thể là một trong số đó. Quá trình tập đi xe đạp của bạn nó tốn đâu có ít thời gian, mồ hôi, công sức, thậm chí là té chảy máu làm hư đường xá của nhà nước… Vật lộn cũng phải một thời gian bạn mới biết chạy xe đạp. Nhưng đâu phải biết chạy rồi là bạn đảm bảo 100% bạn sẽ không té nữa? Bạn còn phải biết cách sử dụng thắng xe (nhất là khi xe không có thắng), cách vào số, cách chạy xe không cần nắm ghi đông, cách bốc đầu xe,… Toàn là kỹ năng cả và không phải nháy mắt cái là bạn làm được liền đâu nhé. Bạn cần luyện tập rất nhiều cho đến khi thành thạo.

Sau đó bạn tiến đến cấp độ cao hơn, đi biểu diễn cách thủ thuật trên chiếc xe đạp bé nhỏ hoặc nhiều bạn bỏ qua bước này, tiến thẳng lên chạy xe máy luôn. Mà chạy xe máy thì còn phức tạp hơn xe đạp nhiều bởi bạn “nên” có bằng lái và có tiền để đổ xăng, thay nhớt. Xe ga, xe số, tay côn gì bạn cũng phải học cách chạy và ở khoảng này thì thường nhiều bạn bỏ qua ví dụ như cách sử dụng xi nhan, còi xe,… nhưng cũng không gây nhiều tai nạn nên cũng không cần thiết đào quá sâu vào.

Đó, thì cũng như việc bạn học cách điều khiển một phương tiện thành thạo, tiếng Anh cũng tương tự như thế. Bạn bỏ được bao nhiêu công sức vào học tiếng Anh mà bạn đòi kiếm chác chứng chỉ với điểm số thiệt đẹp? Bạn bỏ được mấy gr công sức mà bạn muốn sử dụng tiếng Anh thành thạo như dân bản xứ?

Khi bạn học hết cấp ba, trong trường hợp bạn là dạng con nhà người ta (như mình), bạn có thể nắm được trong tay tầm 4000 từ vựng hoặc hơn xíu. Vâng, chỉ có nhiêu đó thôi, không nhiều hơn lắm đâu. Thực chất những gì giáo viên dạy từ sách giáo khoa chỉ chưa tới 60% vì quan trọng không phải bạn học được gì, mà là bạn thi được bao nhiêu điểm. Nói chứ mở học bạ của mình ra, điểm số thấp lè tè nhưng vẫn tốt nghiệp loại khá là mình thấy mình học có gì đó sai sai rồi. Điểm số không làm nên tất cả, nó chỉ giúp gia đình bạn hạnh phúc hơn thôi…

Giả dụ bạn thuộc dạng con nhà người ta (như mình), bạn rảnh quá không có gì làm bởi tiền thì bạn đã dùng để mua sách hết sạch và sách mua xong thì bạn đọc hết rồi. Bạn lấy sách giáo khoa ra đọc chơi giết thời gian vì đằng nào muốn đi chơi tạo mối quan hệ với bạn bè thì bạn cũng cần có tiền. Bạn có thể thêm được 10% kiến thức từ việc tự học. Vậy là sau khi bạn kết thúc sự học 12 năm ròng mà không phải ai cũng may mắn được đi học đủ nhiêu đó năm, một lần nữa, giả sử bạn vẫn đang là con nhà người ta (như mình) thì bạn nắm được 70% kiến thức. Thời gian tiếp tục bào mòn bạn và nhiều khi mới chỉ sau tốt nghiệp một năm, bạn còn những 20% kiến thức làm vốn bởi những kiến thức bạn không sử dụng đến, nó sẽ tự biến mất. Điển hình là kiến thức toán học của mình nè, tốt nghiệp chắc được 50%, bây giờ là còn 10% chỉ biết cộng trừ nhân chia số dưới 2 đơn vị….

Mình chọn tiếng Anh làm ngành học của mình khi may mắn được vớt vào đại học. Hồi đó thi toán mình được những một điểm rưỡi cơ…Mình không ngờ luôn đấy. Chắc họ vớt cho mình bài hình. Vì thế mình cảm thấy tự ti kinh khủng khi ngồi trong lớp chuyên ngành ngôn ngữ Anh và xung quanh mình toàn các bạn giỏi toán. Đồng thời mình cũng cảm thấy thật may mắn khi hồi đó mình mà đậu nguyện vọng 1 thì chắc mình bỏ học vì không qua nổi môn toán cao cấp quá. Thực sự tới giờ mình vẫn không hiểu học ngôn ngữ Anh thì liên quan gì tới toán… Nhưng mà điều đó không quan trọng nữa, toán thì học cho cao nhưng rồi với mình thì cũng chỉ xài cộng trừ nhân chia là nhiều thôi.
Vậy chính xác thì bốn năm đại học mình đã học được những gì?

Với số vốn tầm 4000 từ vựng sau khi tốt nghiệp cấp ba, mình tự cảm thấy con số đó là không đủ bởi có lần mình đọc mấy bài báo tầm phào trên mạng, mình có thấy người ta bảo Shakespeare sử dụng đến 80.000 từ vựng tiếng Anh trong cuộc đời ổng. Các du học sinh lâu năm hay các bạn gốc Việt sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ có số vốn từ vựng lên tới 18.000 từ. Mình đã tự nhủ với bản thân là, 12 năm phổ thông của mình không tiếp xúc nhiều với tiếng Anh do chương trình học toàn toàn là tiếng Việt mà giả dụ mình trúng sổ xố mà muốn đi ra nước ngoài chơi á, để giao tiếp với học thì con số 4000 từ vựng của mình chỉ vừa đủ chào hỏi chứ còn chưa đủ để nói về thời tiết, đời sống hằng ngày nhé. Mà để nói được về các chủ đề thân quen đó, việc nhồi nhét vào đầu các kiến thức ở đâu đâu qua các chủ đề trên trời trong các bài thi tiếng Anh dường như chưa phải lúc. Mình nói là chưa phải lúc chứ không phải không cần thiết nhé. Vì thế thay vì nghe theo lời khuyên bảo sặc mùi dụ dỗ của các chuyên viên marketing giàu kinh nghiệm, mình quyết định không ôn thi TOEIC hay IELTS làm gì cả bởi vấn đề đầu tiên, mình cần bổ sung kiến thức phổ thông, hay chính là xem lại những gì mình đã học qua 12 năm bằng một ngôn ngữ khác không phải tiếng mẹ đẻ.

Không có điều kiện tiếp xúc nhiều với những cuốn sách giấy do mình không thích coi cọp và mình không thích ra khỏi nhà, mình chọn sử dụng internet làm công cụ học tập của mình. Lúc đầu chỉ là niềm đam mê với âm nhạc US-UK đồ, mình bắt đầu xem qua các lời bài hát để thực sự hiểu được bài hát này nói về vấn đề gì. Và từ lúc đó trở đi, mỗi lần mình nghe một đứa nhóc hát Rain Over Me hay lẩm nhẩm Whistle hay Barbie Girl là mình không biết phản ứng sao cho phải nữa…

Sau đó là cơn nghiện của mình với Youtube và mình dần biến thành một thói quen mỗi ngày. Từ thời phổ thông mình đã có Google Mail, vâng, không phải ai cũng sử dụng bởi Yahoo lúc này vẫn chiếm ưu thế. Tài khoản của Google giúp mình ăn bám trên Youtube một thời gian dài, coi đủ các video đủ thể loại từ làm đẹp, nấu ăn, khéo tay,… Dù ngoài đời không giống con gái lắm nhưng do giấy khai sinh ghi rõ mình là giống cái nên mình cũng hứng thú với các video làm đẹp. Hồi đầu mình nghe chữ được chữ mất, mình chuyển qua coi haul video mà các youtuber gợi ý những món đồ mua được ngoài cửa hàng là mình điếc hẳn. Mình cảm thấy phí tiền học đó giờ ghê, học xong mà có mỗi cái video đơn giản, người ta nói chuyện thường ngày mà mình nghe không được. Cũng hay là thị trường lúc đó trào lưu kem chống nhục còn hot, mua kem chống nhục dễ, vừa ngồi coi video vừa thoa.

Dần dần, mình quen với tốc độ các bài rap của Eminem, tốc độ nói chuyện bình thường của các cô gái người Mỹ, người Anh, người Úc trên Youtube. Mình chuyển sang nghe giọng địa phương: Người châu Á nói tiếng Anh. Vâng, lúc đầu cũng mém điếc hẳn sau khi nghe người Nhật nói tiếng Anh nhưng càng nghe thì càng nghiện hay sao đó. Giờ thì ngoài miệng bảo người châu Á nói tiếng Anh khó nghe nhưng mình vẫn nghe được và vẫn âm thầm tự chỉnh lỗi sai của họ trong đầu. À, vâng, mình là một grammar nazi ngầm...

Điều mình cảm thấy lạ nhất đó chính là có một số từ vựng thường ngày các youtuber sử dụng trong video của họ mình chưa từng gặp bao giờ trong sách giáo khoa, nhưng khi họ nhắc đến là mình biết ngay từ vựng đó nghĩa là gì. Nhất là khi coi các video dạy nấu ăn, các nguyên vật liệu họ sử dụng có một số chắc chắn trong sách giáo khoa không dạy nhưng khi họ đọc lên là mình biết ngay họ đang nói tới cái gì. Mình không hề nhận ra điều này cho đến khi mình theo học thầy Viễn và thầy đã chỉ ra. À thì ra có những từ vựng mình học được là do mình đọc bao bì nhãn hiệu cũng như hướng dẫn sử dụng. Lon nước bí đao mọi người uống hoài mà có khi chả biết bí đao tiếng Anh là gì. Mình vốn thích đọc nên khi đi siêu thị lựa sản phẩm, mình luôn dành thời gian ra để đọc và hầu hết tất cả các sản phẩm đều có tiếng Anh, có thể chuẩn có thể không nhưng ít nhất cũng có và khi bạn nhận ra được chỗ nào dịch không chuẩn xác, bạn đã tiến bộ hơn chút rồi đó. Ừ ai cũng trải qua thời chưa có smartphone ha nên các bao bì sản phẩm dầu gội, sữa tắm, nước chà bồn cầu, nước lau sàn…. Mình cũng hay đọc qua…

Mình biết người Việt nói chung rất lười đọc. Hướng dẫn hay hạn sử dụng thì may ra các bà nội trợ còn đọc. Ra nhà hàng, nguyên cái menu chình ình ra đó nhiều người chả buồn đọc, lật lật lấy lệ xong quay sang hỏi phục vụ nhà hàng có món gì. Hồi nhỏ, học luật giao thông, biển báo lấy lệ xong lớn lên ra đường chạy sai, bị công an tóm thì chửi ông ổng lên bảo công an làm sai luật. Đọc bài viết này dài ơi là dài nên không biết được bao nhiêu bạn đọc được tới đây, ai đọc tới đây thả tim <3 vào phần bình luận nha =))) Đọc nhiều sách quá thì bị kêu là mọt sách, giả tạo. Đọc truyện nhiều thì bị gọi là otaku một cách mỉa mai. Không đọc cái quần què gì thì bị kêu không chịu cập nhật tin tức. Sống mà không chửi không dễ…. Nhưng mà lạc đề rồi.

Thật ra nếu bạn đã không nghe được mà bạn còn không chịu đọc thì coi như kỹ năng nói với viết là bạn bỏ đi được rồi ha. Bạn không nghe được thì dĩ nhiên bạn không biết họ đang nói gì, bạn câm luôn. Bạn không đọc, không bổ sung được tí từ vựng, kiến thức nào vào người xong giờ người ta kêu bạn viết, bạn viết cái gì giờ? Cái này là kinh nghiệm cá nhân của mình thôi ha. Thấy nhiều bạn quan niệm đi thi lấy chứng chỉ, tập trung vào hai kỹ năng Nghe và Đọc thôi bởi hai kỹ năng đó dễ lấy điểm hơn hai kỹ năng còn lại do bạn không biết Nói và Viết gì. Ờ thì cũng đúng bởi ngay từ đầu bạn cũng đâu có nghe hay đọc được.

Học ngôn ngữ theo kiểm bám sát 4 kỹ năng nghe nói đọc viết đối với mình, cá nhân mình thôi ha, không có tác dụng. Bạn bảo cần thêm từ vựng với ngữ pháp nữa. Vậy hai cái đó lấy ở đâu ra? Bạn bảo ở đâu cũng có. Ừ ở đâu cũng có và mình lấy được, sao bạn vẫn khó khăn tìm kiếm quá zợ?
Đừng chạy nước rút nữa, bạn đang hụt hơi rồi đó. Vấn đề không phải là bạn về đích trước ai hay bạn vượt lên được ai, okay? Điều đó không quan trọng, vấn đề là bạn phải vượt lên được chính bản thân bạn trước kìa. Bạn học lấy chứng chỉ để đi xin việc hòng cạnh tranh với những người khác nhưng bản thân bạn mang danh là học tiếng Anh đó, lại không biết cách sử dụng. Giao tiếp vài câu đơn giản thường ngày bạn làm còn không được, thậm chí là lười làm. Từ chối làm những việc nhỏ để giữ sức làm việc lớn à? Mình vẫn chuộng làm những việc nhỏ để rút kinh nghiệm làm nên việc lớn hơn.
Bốn năm đại học không phải quãng thời gian quá dài đối với mình. Thật ra do được học ngành mình yêu thích, chương trình quá nhẹ so với trình độ (đại học mà trình độ Intermediate chứ chưa lên Advanced), nên mình thấy thời gian trôi qua không bị trì trệ như hồi 12 năm phổ thông. Tuy nhiên, mình học được ở trường không bao nhiêu cả, chủ yếu toàn tự bồi dưỡng kiến thức thôi. Mà nói đâu xa, kiến thức mình tự bồi dưỡng cũng một phần đọc các cuốn giáo trình mà trong chương trình học chỉ học một nửa. Xong một học kỳ, mình đọc lại và tổng kết lại xem vừa qua mình tốn bao nhiêu thời gian vô ích vô lớp ngồi không vì không có gì để học. Mình tự google các khóa học miễn phí trên mạng, bổ sung thêm các kiến thức phổ thông mà lẽ ra ai cũng nên biết. Chẳng hạn như Ai Cập thì không nằm ở Châu Âu ạ….

Vốn không định theo biên phiên dịch nhưng do rớt nguyện vọng 1 nên đâm đầu thẳng vào đây. Chỉ từ năm 3 trở đi, và nhất là năm 4, mình mới thực sự cảm thấy chục triệu mồ hôi nước mắt gia đình kiếm được cho mình đi học mỗi học kỳ có giá trị. Hiếm hoi được một môn học hoàn toàn mới và mình phải bỏ công sức để theo học. Mình cảm thấy khinh, thật sự luôn, nghe mean ha, nhưng mình khinh lắm mấy bạn vô lớp ngồi chơi giết thời gian suốt bốn năm học. Có lẽ do mình không xuất thân từ gia cảnh giàu có như mấy bạn để vung vẩy chục triệu mua bằng đại học. Mình cũng không biết lớp mình có không vì đi học thì mình xác định chỉ học thôi, nên các mối quan hệ thì bỏ qua. Thậm chí có nhiều bạn trong lớp mình còn chả biết tên hay nhớ mặt. Dĩ nhiên là đối với kiểu con nhà người ta như mình thì mang danh chảnh cờ hó, giả tạo là chuyện bình thường. 12 năm qua mình quen rồi, thêm 4 năm nữa cũng chả sao. Sở thích của mình là học và sở thích này nghe giả tạo 100%. Nhưng cũng không thành vấn đề, bởi vì các mối quan hệ xã hội của mình cũng không quá hạn hẹp và mình cũng không có nhiều thời gian để giữ nên còn thì tốt, không có cũng không sao.

Do học ở đại học chỉ đem lại cho mình chưa đến 30% kiến thức, mình cũng thà tự học là chính nên hầu hết kiến thức của mình đều đến từ công việc. À ngoại trừ việc mình đi học thêm buổi tối nhưng chỉ được chừng nửa năm sau đó bỏ dở do áp lực tài chính kiếm tiền nuôi thân :v Đi làm khi còn ngồi trong ghế nhà trường là một trải nghiệm nên có nếu bạn sắp xếp được thời gian. Không phải đi làm quá trời rồi nghỉ học triền miên sau đó than thân trách phận là sao mình học không giỏi… Nhân đây, mình không phải loài sống vì cộng đồng hay hướng ngoại hen. Mùa hè xanh, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa,… thì lẽ dĩ nhiên là không có bóng mình đâu, ahihi. Mình không thích tiếp xúc với nhiều người và quan niệm sống của mình khá ích kỷ: tự thân lo được thì đừng dựa dẫm người khác. Câu này khác với câu người lớn hay nói mà nghe cay nghiệt hơn:  “thân ai nấy lo”. Nếu mà tự qua đường được, thì không cần đứng đợi người ta dẫn qua. Hay nếu mà tự nấu được bữa ăn đàng hoàng thì không cần sống bằng mì gói. Thân mình thì cố tự lo, đừng dựa dẫm quá vào người khác. Cơ bản là mình chưa bao giờ muốn trở thành một gánh nặng cho ai. Nhưng nếu ai cần mình giúp thì trong khả năng, mình vẫn xem xét, nếu thấy người đó chỉ đang dựa dẫm mình vì “chúng ta là bạn” hay “giảm giá cho tao nha” thì thôi cay đắng nhìn người đó unfriend mình chứ biết sao giờ.

Xây dựng thói quen tốt, sở thích tự học là chìa khóa để mình tiếp tục bổ sung kiến thức. Hồi đó nghe câu, “học, học nữa, học mãi” là thấy rùng mình rồi. Nhưng nghĩ kỹ lại thì mình đâu có sợ phải học cả đời. Cái mình sợ là phải đến trường. Vâng, khái niệm đến trường đối với mình là một cực hình, một cơn ác mộng. Còn học thì cứ tới thôi, bổ sung kiến thức thì tốt cho mình chứ đâu cần ai phải công nhận điều đó.

Hiện tại, kho từ vựng của mình qua một bài test thì ở khoảng 6000-8000 từ. Con số này vẫn chưa bằng một nửa số từ vựng của một người bản xứ nhưng nó đủ để đem lại cho mình chiếc bằng TOEIC 950 ấn tượng hay IELTS 8.Ha ha, mình chém gió thôi chứ nhiêu đây sao đủ được. Học ôn để lấy chứng chỉ là một chuyện khác nha. Đó là một khái niệm hoàn toàn khác với việc học để sử dụng tiếng Anh, đừng lầm tưởng nữa nhé.

Mình không có lời khuyên nào cho các bạn và các bạn cũng nên thận trọng khi làm theo bất cứ điều gì bạn rút ra được qua chia sẻ của mình. Bởi vì mỗi người có một điểm xuất phát và một đích đến khác nhau bạn ạ. Mình xuất phát là một đứa con nhà người ta, có điều kiện học tập và có ý thức về việc đó. Bạn có thể xuất phát chậm hơn do bạn không có điều kiện đi học nhiều như mình hay bạn xuất phát trước mình nhiều lắm do bạn có cơ hội du học ở nước ngoài. Điếm đến của mình là sử dụng ngôn ngữ Anh một cách thuần thục hơn nhưng điểm đến của bạn chỉ là có trong tay tấm bằng đủ để giúp bạn ra trường. Do xuất phát và kết thúc ở những điểm khác nhau, quá trình sẽ bị ảnh hưởng. Một số việc mình làm có thể không phù hợp với bạn. Đừng vội phí thời gian bắt chước hen, tham khảo là chính thôi. Hy vọng bạn sớm chạm tới đích đến bạn đã vạch ra.

Haha, chắc mình thảo mai tới vậy =))))

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Hình từ năm 2012 rồi =)))



Find me on Facebook